Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo Sau đại học đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế – cơ hội, thách thức và giải pháp”
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, Hội thảo đã nhận được 50 công trình nghiên cứu của các tác giả và lựa chọn 36 bài viết chất lượng nhất đăng trên kỷ yếu đại diện cho các chủ đề mà hội thảo quan tâm. Trong đó, có nhiều bài viết tập trung phân tích những cơ hội và thách thức đối với đào tạo sau đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của cách mạng công nghệ 4.0, những thuận lợi và khó khăn, điểm mạnh và điểm yếu trong tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý đào tạo sau đại học, giải pháp khuyến khích nghiên cứu sinh công bố kết quả nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học khối kinh tế ở Việt Nam…
Tham dự hội thảo, về phía các cơ quan Trung ương có PGS,TS Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường, Bộ Giáo dục & Đào tạo; PGS,TS Lê Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về phía khách mời là đại diện các trường đại học, học viện, có: PGS,TS Đào Thu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; PGS,TS Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc Học viện Tài chính; PGS,TS Nguyễn Thị Kim Hảo – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; TS Trịnh Thị Thanh Thủy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công thương; PGS,TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS,TS Đào Minh Phúc – Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng; PGS,TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Sau đại học – Đại học Kinh tế Quốc dân; các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công thương và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.
Về phía đối tác quốc tế có sự tham dự của GS Hwang Bang-Ning, đại diện Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Vân Lâm, Đài Loan.
Về phía Trường Đại học Thương mại có: GS,TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS,TS Bùi Xuân Nhàn – Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS,TS Đỗ Minh Thành – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS,TS Nguyễn Hoàng Long – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS,TS Nguyễn Thị Bích Loan – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; GS, TS Phạm Vũ Luận – Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện các khoa, phòng, trung tâm, đơn vị trực thuộc, các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, cao học viên, nghiên cứu sinh Trường Đại học Thương mại.
Sau thời gian làm việc sôi nổi và nghiêm túc, hội thảo đã nghe 05 báo cáo tham luận trực tiếp và các ý kiến phản biện, trao đổi trực tiếp của các nhà khoa học. Kết thúc Hội thảo, từ những góc nhìn khác nhau, các nhà khoa học đã mang đến cho hội thảo những thông tin đa chiều về cơ hội, thách thức và giải pháp đào tạo sau đại học:
– Một là, nhận dạng và đánh giá những cơ hội, thách thức đối với đào tạo sau đại học: đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và bồi dưỡng sau đại học;
– Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH) và công bố kết quả NCKH của học viên cao học và nghiên cứu sinh;
– Ba là, hoàn thiện công tác tổ chức và đánh giá chất lượng luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, học tập kinh nghiệm quản lý hoạt động đào tạo sau đại học của các trường: Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Khoa học & Công nghệ Quốc gia Vân Lâm, Đài Loan…;
– Bốn là, đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý đào tạo sau đại học; vai trò và mối quan hệ giữa học viên cao học, nghiên cứu sinh với người hướng dẫn khoa học, các bộ môn/khoa chuyên ngành với đơn vị quản lý trong đào tạo sau đại học;
– Năm là, nhận dạng, phân tích mức độ ảnh hưởng của các yếu tố (chương trình đào tạo, phương pháp, phương tiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nguồn học liệu…) đến chất lượng đào tạo sau đại học.
Hội thảo kết thúc tốt đẹp đã mang lại những nhận diện sâu sắc hơn về thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức trong hoạt động đào tạo và quản lý sau đại học của Trường Đại học Thương mại trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần đóng góp những giải pháp hữu ích cho việc đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học của Nhà trường, nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo của trường.
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo: