Thông báo

Luận án của nghiên cứu sinh Lê Như Quỳnh

29/12/2022

THÔNG TIN TÓM TẮT

VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ

 

1. Tên đề luận án tiến sĩ: Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đến năm 2030

2. Chuyên ngành:             Quản lý kinh tế      

3. Mã số:                            9310110

4. Họ tên NCS:                  Lê Như Quỳnh                    Mã NCS: 19AD0410 003

5. Họ tên người hướng dẫn khoa học: 

Người hướng dẫn 1: PGS,TS. Bùi Xuân Nhàn

Người hướng dẫn 2: PGS,TS. Phan Thế Công

6. Những đóng góp mới của luận án

6.1. Những đóng góp mới về học thuật, lý luận

Trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã công bố, luận án đã hệ thống hóa và bổ sung thêm một số vấn đề lý luận về chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của một quốc gia. Cụ thể:

Thứ nhất, luận án đã hệ thống hóa và củng cố thêm cơ sở lý luận về vốn FDI và thu hút vốn FDI như: làm rõ một số khái niệm (FDI, vốn FDI và thu hút vốn FDI), phân tích các hình thức của vốn FDI và tác động của thu hút vốn FDI đến các quốc gia đang phát triển. Trên cơ sở đó, luận án đã hệ thống hóa, bổ sung và phát triển thêm cơ sở lý luận về chính sách thu hút vốn FDI như khái niệm, đặc điểm, vai trò của chính sách thu hút vốn FDI và các mục tiêu, nguyên tắc hoạch định chính sách thu hút vốn FDI.

Thứ hai, luận án đã hệ thống và bổ sung những yếu tố ảnh hưởng tới chính sách thu hút vốn FDI;

Thứ ba, luận án đã luận giải nội dung của các chính sách thu hút vốn FDI gắn liền với đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp FDI và khuôn khổ pháp luật của các quốc gia;

Thứ tư, luận án tổng hợp, cụ thể hóa 06 tiêu chí đánh giá chính sách thu hút vốn FDI. Đây là các tiêu chí hàm chứa những nội dung khoa học có thể sử dụng để đo lường, đánh giá mức độ đạt được của các chính sách thu hút vốn FDI của một quốc gia.

6.2. Những kết luận mới về đánh giá thực tiễn

Bằng các dữ liệu thứ cấp thu thập được, luận án đã khái quát được kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2021 về quy mô vốn đầu tư, cơ cấu vốn đầu tư (theo hình thức đầu tư, theo địa phương, theo lĩnh vực, theo đối tác đầu tư) và chất lượng vốn đầu tư.

Luận án cũng phân tích, đánh giá chính sách thu hút vốn FDI của Việt Nam theo ba nhóm chính sách và sáu tiêu chí đánh giá đã được hệ thống và bổ sung ở phần lý luận. Qua đó, luận án chỉ ra được những thành công, hạn chế và nguyên nhân của chúng trong hoạch định và tổ chức thực thi chính sách thu hút vốn FDI của Việt Nam từ năm 2010 năm 2021.

6.3. Những đề xuất mới về chính sách, giải pháp

Trên cơ sở những luận cứ về lý luận và thực tiễn về chính sách thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian qua, cùng với những nghiên cứu về bối cảnh mới trong thu hút vốn FDI, các quan điểm, mục tiêu và định hướng hoàn thiện chính sách thu hút vốn FDI trong thời gian tới, luận án đã đề xuất 03 nhóm giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện chính sách thu hút vốn FDI của Việt Nam đến năm 2030. Đó là: (i) nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, (ii) nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách liên quan đến tăng sức hấp dẫn đầu tư và (iii) nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách liên quan đến xúc tiến đầu tư. Trong đó, luận án tập trung vào các giải pháp cụ thể: nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của xã hội; hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư, chú trọng đến bảo hộ đầu tư và phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư; đổi mới mô hình tổ chức quản lý và hoàn thiện quá trình phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài; hoàn thiện các thủ tục hành chính theo hướng tiết giảm thời gian thực hiện và đơn giản hóa các thủ tục; tăng cường công tác giám sát, đánh giá dự án FDI