“Trí tuệ để hạnh phúc và thành công”
Để chào mừng thành công của Hội nghị viên chức Trường Đại học Thương mại và kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, vào 8h15 thứ tư, ngày 18 tháng 10 năm 2023 tại phòng hội thảo số 1 và 2 tầng 6 nhà F, BCH Công đoàn các đơn vị: Viện Quản trị Kinh doanh, Khoa Maketing, Khoa Kinh tế, Khoa Tài chính - Ngân hàng và Khoa Lý luận Chính trị đã kết nối đồng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Trí tuệ để hạnh phúc và thành công”.
Đến dự buổi tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Viết Thái – Chủ tịch CĐ Trường và các đồng chí đại diện Ban chấp hành Công đoàn Trường, Ban chủ nhiệm các Đơn vị cùng hơn 100 công đoàn viên của 05 Khoa, Viện. Dưới sự dẫn dắt của hai chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực trí tuệ cảm xúc và đổi mới sáng tạo, đã nhiều năm tham gia và được đào tạo thành lực lượng nòng cốt của Dự án Đổi mới sáng tạo hợp tác giữa ĐH Ireland và Viện Đổi mới Sáng tạo Ireland: TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng, ThS. Nguyễn Thị Hằng Nga, các CĐV của 05 Đơn vị đã được lắng nghe và trao đổi về hai nội dung: “Hạnh phúc trong cuộc sống” và “Thành công trong lớp học”. Buổi tọa đàm được tổ chức theo hình thức chia sẻ kết hợp thực hành và giao lưu văn nghệ, liên hoan nên có bầu không khí ấm cúng, thân mật và gần gũi.
Mở màn là hoạt động “Checkin” lúc đầu giờ, với một bản nhạc không lời nhẹ nhàng, các diễn giả đã chia sẻ về sự có mặt trọn vẹn “Bây giờ” và “Ở đây” (NOW & HERE hay cũng có thể gọi là NOWHERE) và hướng toàn bộ thành viên có mặt cùng quay về quan sát, lắng nghe trong tĩnh lặng, kết nối, nhận diện, gọi tên xem bản thân mình đang ở không gian nào, đang làm gì, ở đâu, với ai, sức khỏe, cảm xúc của mình như thế nào… để thấy rằng: “hạnh phúc chính là sự kết nối với chính mình trong từng khoảnh khắc”. Buổi tọa đàm đã đem đến nhân thức sự thấu hiểu sống trọn vẹn trong từng phút giây là hạnh phúc, an lạc ngay ở nơi mình đang tồn tại, làm tốt và đúng việc mình đang thực hiện (tạm gác lại những công việc đã qua cũng như những công việc sắp đến, chỉ sống trong hiện tại). Bên cạnh đó, các diễn giả cũng cung cấp thêm nhiều quan niệm về “hạnh phúc” cũng là một lời nhắc nhở chúng ta cần điều chỉnh/tái định nghĩa lại “hạnh phúc” hay “thành công” của bản thân phù hợp với sự thay đổi của trí tuệ và kinh nghiệm của chính mình, cách thức để cân bằng cuộc sống với công việc bộn bề, mối quan hệ giữa nội tâm INNER LIFE và các tác nhân bên ngoài OUTER LIFE.
Một bài thực hành nhỏ đã được áp dụng ngay tại chỗ thông qua những cái bắt tay, những cái ôm và lời khen tặng đồng nghiệp, cùng nở nụ cười... đã thay đổi không khí và tăng sự gắn kết giữa các thành viên tham dự Tọa đàm. Cả hội trường đã đứng lên, nắm chặt tay nhau, hát vang bài hát do chính diễn giả sáng tác theo giai điệu của bài “Happy birthday” với lời hát rất ý nghĩa: “HAPPY YOU, HAPPY ME! WE KNOW INNER, WE CARE/ HAPPY INNER, HAPPY OUTER/LIFE IS REAL POWER”. Giây phút ấy, tất cả trăm con người như hòa vào làm một, là nhất thể, quay về trọn vẹn nhận biết hạnh phúc với hiện tại. Lời bài hát ngắn gọn lại đầy đủ ý nghĩa của hoạt động vừa được chia sẻ giúp người nghe nhanh chóng “thuộc bài” và cảm nhận sâu sắc hơn chủ đề của phần một: “Hạnh phúc trong cuộc sống”.
Tiếp đó, các tiết mục văn nghệ “Bài ca ngón tay chỉ trăng”, “Hạ trắng”, “Tình ca”,... do các công đoàn viên trong các đơn vị cất lên khi ánh đèn vụt tắt, một lần nữa đã giúp mọi người gần nhau hơn, cùng hát, cùng cười kết nối trọn vẹn giữa phần một và phần hai của chương trình.
Phần thứ hai với chủ đề “Lớp học thành công”, các diễn giả triển khai nội dung: trí tuệ để kiến tạo lớp học hạnh phúc thông qua tư duy thiết kế - design thinking, một ứng dụng quan trọng để công đoàn viên các đơn vị áp dụng trong công việc giảng dạy của mình. Phần trình bày đã chỉ ra các bước trong quy trình tư duy thiết kế và nhấn mạnh “thấu cảm” là bước đầu tiên cũng là bước vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của sáng tạo trong bất kỳ lĩnh vực nào, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Một tư duy đúng về “sáng tạo” đã được làm rõ: cần thấu hiểu đối tượng cũng như bối cảnh để sự sáng tạo sẽ phù hợp và có tính khả thi cao. Hai diễn giả đã cung cấp rất nhiều kinh nghiệm bổ ích để các giảng viên có thể ứng dụng tư duy thiết kế để làm mới các môn học của mình tạo ra lớp học hạnh phúc...
Sau gần ba giờ lắng nghe các chuyên gia trình bày và cùng thực hành theo hướng dẫn, các đoàn viên công đoàn 05 Đơn vị đã thực hiện “Check out” bằng việc ghi lại ngắn gọn nhất những cảm xúc/mong muốn của mình bằng một tính từ - đây cũng là một hoạt động mà sau này khi lên lớp các thày cô giáo có thể áp dụng để “thấu hiểu” sinh viên của mình giúp các tiết học sau càng thú vị hơn.