Giới thiệu

Giới thiệu

CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU

11/08/2022

CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU
- Tên chuyên ngành: Quản trị thương hiệu (Brand management)
- Ngắn gọn về nội dung kiến thức được học: Ngoài những kiến thức căn bản về kinh tế và kinh doanh nói chung; Chuyên ngành cung cấp kiến thức căn bản và chuyên sâu về thực tiễn về ngành marketing và chuyên ngành Quản trị thương hiệu bao gồm: Hành vi khách hàng; Nghiên cứu marketing; Quan hệ với khách hàng trong cung ứng giá trị; Quản trị thương hiệu; Chiến lược thương hiệu; Định giá và chuyển nhượng thương hiệu;  Quảng cáo và xúc tiến thương mại quốc tế; Truyền thông marketing… Phân tích, hoạch định, tổ chức triển khai các kế hoạch và quyết định marketing  sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến.... về sản phẩm và thương hiệu, và các tình huống và thực hành về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu.
- Nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp chuyên ngành: Với những các cấp độ khác nhau thì một số việc làm cụ thể của ngành này ở các đơn vị/doanh nghiệp như: (1) Các loại hình doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ đặc biệt là các doanh nghiệp có kinh doanh thương mại như: ngân hàng và các tổ chức tài chính, bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe và y tế, các công ty dược, các sở công thương, các đơn vị xúc tiến thương mại, các đơn vị nghiên cứu thị trường, các trường và các tổ chức đào tạo, các viện nghiên cứu, các đơn vị đầu tư và sở hữu trí tuệ. (2) Các loại hình doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở bộ phận quản trị và thương mại, thị trường, khách hàng. (3) Các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu, các trường trung học nghề, cao đẳng, đại học, các đơn vị đào tạo ở các bộ phận giảng dạy, nghiên cứu và phát triển thương hiệu... của các tổ chức và đơn vị này. (4) Các tổ chức và đơn vị quản lý thị trường và thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Những bộ phận mà sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành có thể phù hợp làm việc gồm: Bộ phận quản trị marketing và thương hiệu; Bộ phận quản trị dự án về thương hiệu; Bộ phận quản trị hoạt động truyền thông xúc tiến thương mại, quảng cáo, quan hệ công chúng, tuyên truyền thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ; Bộ phận quản lý khách hàng, chăm sóc khách hàng, dịch vụ khách hàng và phát triển thị trường, nghiên cứu thị trường khách hàng; Bộ phận quản trị chiến lược, chính sách và kế hoạch kinh doanh; Bộ phận nghiên cứu, giảng dạy hoặc làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu và chuyên viên nghiên cứu thương hiệu tại các doanh nghiệp; Có khả năng tự nghiên cứu chuyển đổi nhanh để làm việc được ở các bộ phận thuộc chức năng, quá trình quản trị kinh doanh khác (Logistics, quản trị chất lượng, chuỗi cung ứng, quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh XNK...) ở các doanh nghiệp.
- Nguồn nhân lực về Quản trị thương hiệu ngày càng đòi hỏi trình độ chuyên môn cao nên những người được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này luôn là “điểm ngắm” của các tổ chức. Chính vì vậy, thu nhập của những người làm nghề này khá cao. Lao động làm ở vị trí nhân viên lương từ 300 - 400 USD trở lên, làm ở cấp điều hành lương 1000 - 2000 USD trở lên và cấp quản lý thì mức lương từ 3000 USD trở lên.
- Thế mạnh của TMU/khoa trong việc đào tạo chuyên ngành đó: Từ những năm 2008, bộ môn Quản trị thương hiệu của Trường Đại học Thương mại là một trong những nơi đào tạo đầu tiên về Thương hiệu ở Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với thế giới, sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ các tài sản trí tuệ liên quan đến thương hiệu đòi hỏi các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực tế. Chính vì vậy, với nền tảng lâu đời về đào tạo nhân lực cho ngành Marketing, có thể tự hào nói rằng Chuyên ngành Quản trị thương hiệu của Trường Đại học Thương mại là một địa điểm đáng tin cậy đối với sinh viên - những người dám chấp nhận thử thách.